Các bạn chắc đều biết bước đầu tiên của việc chữa bất cứ bệnh gì, đó là chẩn đoán. Xác định được bệnh, được tình trạng cụ thể của người bệnh, rồi từ đó mới xác định được hướng điều trị. Điều trị bừa chính là khi người ta làm ẩu bước này.
Với trào ngược, viêm dạ dày, tôi hướng dẫn bạn chú ý một số thông tin sau trong việc chẩn đoán.
1 bệnh hay 2 bệnh?
Có người khám ra chỉ có 1 bệnh viêm dạ dày chứ không trào ngược. Chúc mừng bạn nếu bạn thuộc nhóm này, nhóm này đa phần đều bệnh nhẹ.
Có người khi khám ra chỉ có 1 bệnh trào ngược, dạ dày thì không viêm. Số này thì ít. Đa phần người đã có trào ngược rồi thì dạ dày hầu như có viêm.
1 bệnh thì chữa dùng ít thuốc hơn, 2 bệnh thì phải dùng nhiều thuốc hơn.
Lưu ý 1: Nhiều trường hợp các bạn kể triệu chứng, tôi thấy chắc là có viêm dạ dày rồi, nhưng hỏi thì các bạn nhất quyết bảo không có. Tới khi cho xem kết quả nội soi thì kết quả khi rành rành viêm hang vị. Ôi trời, dạ dày sẽ có tâm vị, thân vị (bờ cong lớn, bờ cong nhỏ), hang vị, môn vị. Viêm bất cứ chỗ nào trong những phần này thì đều là viêm dạ dày cả nhé.
Lưu ý 2: Nếu có viêm dạ dày, kết luận sẽ được thể hiện ngay trên phiếu nội soi. Nhưng trào ngược thì có người được bác sĩ nội soi kết luận ngay trên phiếu nội soi, có người phải chờ tới khi quay lại gặp bác sĩ khám, bác ấy mới cho kết luận trào ngược.
Thực quản đã bị biến chứng chưa?
Thông tin này mình xem trên phiếu nội soi sẽ có.
Bị viêm thực quản nghĩa là trào ngược đã nặng tới mức gây biến chứng.
Thông tin này không làm thay đổi liều điều trị của bạn, nhưng bạn xác định là bạn phải kiên trì, thời gian điều trị của bạn sẽ dài hơn của người chưa có biến chứng.
Bị trào ngược thì đã trào ngược lên họng chưa?
Hiện nay nếu chỉ đi khám chuyên khoa tiêu hóa, bạn có thể chưa được chẩn đoán về tình trạng trào ngược lên họng (tên bệnh của nó là trào ngược họng thanh quản). Phải qua tai mũi họng để khám.
Tuy nhiên bạn có thể xem xét qua mấy triệu chứng điển hình này: cảm giác vướng nghẹn ở cổ (đặc điểm nhận diện là ăn thì không vướng nhưng không ăn thì lại vướng); thường xuyên bị ho, đờm, và khàn tiếng (nhất là buổi sáng khi mới ngủ dậy).
Biết điều này có ý nghĩa gì? Nếu là trào ngược họng thanh quản nó sẽ làm cho liều dùng và số ngày điều trị của bạn đều phải tăng lên. Lên dây cót và sẵn sàng tinh thần đi chứ việc điều trị không kết thúc trong vài ngày đâu. Nó phải là vài tháng, mà thường trên 3 tháng. Riêng triệu chứng vướng nghẹn, không đơn giản.
Bị trào ngược thì có bị trào ngược về ban đêm không?
Triệu chứng này khá dễ nhận diện nhưng hiện nay nhiều bác sĩ chẩn đoán vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức. Trào ngược về đêm là kẻ gây biến chứng nhiều nhất.
Nếu có trào ngược về đêm, liều dùng trước khi đi ngủ của bạn cần phải tăng lên để hỗ trợ ngăn chặn cơn trào ngược khi bạn nằm xuống.
Dấu hiệu nhận biết thì khá đơn giản: bạn nằm xuống và bị ợ lên, hoặc bị nóng ngực, tức ngực, thậm chí tới mức khó chịu không ngủ được. Hoặc nếu bạn vẫn thấy ngủ được thì hãy để ý tới biểu hiện của cơ thể lúc sáng khi mới ngủ dậy, nếu bị đắng miệng, khô miệng, đờm đặc thì đó có thể là cơn trào ngược vẫn âm thầm xảy ra về đêm.
Bệnh dạ dày của bạn là biểu hiện của tình trạng thiếu hay thừa axit?
Cái này mới này, còn nhiều bạn chưa biết. Các bạn nghĩ mặc định nghĩ bệnh dạ dày là do dư axit, thế nên sẽ uống thuốc tây nhằm làm cho dạ dày không tiết ra axit nữa. Nếu cứ đúng cơ chế đó thì bạn uống vào bệnh sẽ cải thiện nhiều lắm. Thế sao vẫn có bạn bảo với tôi “uống thuốc tây cả tháng chẳng đỡ gì”. Chịu các bạn, uống đến cả tháng không đỡ gì mà vẫn uống.
Từ từ hẵng uống thuốc tây, kiểm tra xem dạ dày mình đang thừa hay thiếu axit đã. Nếu thừa axit mới uống thuốc tây, thiếu axit thì thôi, phí.
Bài test tình trạng axit rất đơn giản, trong bài viết trước đây đã hướng dẫn rồi đấy. Thực tế là đa phần các bạn sẽ là người thiếu axit chứ không phải thừa axit đâu nhé.
Tình trạng đại tiện thế nào?
Nếu bạn quyết định điều trị bằng thuốc tây thì yếu tố này không quan trọng, nhưng nếu bạn chọn đông y, thuốc nam, thảo dược, hay thuốc lá gì gì đó, đây là thứ bạn cần quan tâm.
Người ta cứ nói là hợp cơ địa thì đỡ, không đỡ thì bảo tại không hợp cơ địa. Cái đó là xạo đó. Cơ địa là cái gì mà cứ vin vào đổ lỗi. Nay tôi tiết lộ cho bạn. Một thông tin quan trọng của cơ địa đó là người bạn thuộc thể hàn hay thể nhiệt. Người thể hàn đi đại tiện lỏng nát, người thể nhiệt đi đại tiện khô táo. Người thể hàn chữa bệnh phải dùng thuốc ấm, nóng, người thể nhiệt chữa bệnh phải dùng thuốc mát, lạnh. Đấy, nó phải có căn cứ như thế chứ. Không biết thì dễ bị hứa hươu vượn dắt mũi lắm.