Không nói thì chắc bạn cũng biết bệnh tật không phải tự dưng mà xuất hiện, cũng không phải hôm trước không bệnh hôm sau đã bệnh. Đó là một quá trình tích lũy, có liên quan chặt chẽ tới các thói quen xấu.
Đặc điểm của thói quen xấu là chúng không gây tác hại ngay (thì bạn mới tiếp diễn nó được chứ), hoặc do thiếu hiểu biết một số kiến thức sức khỏe chuyên sâu nên bạn vô tình làm hại dạ dày.
Sau đây là danh sách những thói quen có hại cho dạ dày:
1. Ăn uống giờ giấc thất thường, bữa no quá bữa không ăn (khiến dạ dày không đổi theo kịp để thích ứng và phục vụ bạn).
2. Ăn vặt lai rai suốt cả ngày, ăn đêm, ăn muộn (khiến dạ dày trong cả ngày dài chẳng mấy khi được nghỉ ngơi → làm việc quá sức → bệnh).
3. Thường xuyên ăn quá: quá no, quá đói, quá chua, quá cay, quá nóng, quá lạnh (lạnh như đá)…
4. Kết hợp những đồ ăn không hợp lý dẫn tới hại dạ dày (chi tiết trong bản tin dạ dày tiếp theo nhé – đón đọc).
5. Nằm ngay sau ăn, cúi gập người, ngồi xổm sau ăn – thường cái này chỉ gây khó chịu với người đã có bệnh dạ dày, còn người thường nằm ngay sau ăn thường chưa gây khó chịu ngay. Nhưng tốt nhất là bạn chỉ nên ngả người trên sofa thôi chứ đừng nằm hẳn ra.
6. Uống nhiều bia rượu (hãy để ý tới hiện tượng đi ngoài phân sống, lỏng vào buổi sáng hôm sau sau khi uống bia rượu – đó là hiện tượng ngộ độc tiêu hóa do bia rượu – không phải chỉ gan đâu, dạ dày sẽ là nơi chịu tác động xấu đầu tiên).
7. Uống quá nhiều cafe hoặc trà (đấy là khi thấy dạ dày có biểu hiện khó chịu nhưng lần sau bạn lại tái phát – bạn cứ kệ).
8. Stress là kẻ thù số 1 của dạ dày (những trạng thái căng thẳng quá độ, lo lắng, áp lực, buồn phiền, âu sầu, buồn chán, mệt mỏi… đặc biệt là tính suy diễn và chú tâm quá lực vào các mặt tiêu cực của sự việc).
9. Lười biếng, không hoặc ít vận động (vận động bữa đực bữa cái), vận động không hết mình, vận động mà không thấy vui gì (kiểu vận động chẳng ra tí mồ hôi nào) – thói quen sống này không chỉ bỏ bê dạ dày, mà là bỏ bê toàn cơ thể. Số ít có thể tập thể dục vào lúc mới ăn xong, cũng không tốt cho dạ dày, nhưng số người “chăm chỉ” thế này không nhiều và cũng thường khó chịu là người ta sẽ không tập nữa.
10. Thức khuya – tưởng không hại mà hại không tưởng.
11. Uống thuốc, đặc biệt là thuốc tây mà không hỏi người kê đơn có cần thêm thuốc bảo vệ dạ dày không (phổ biến nhất là các thuốc thuộc nhóm giảm đau cho người bệnh khớp, thuốc chống viêm, chống dị ứng do người bệnh xoang).
Vào những giai đoạn đầu tiên khi bạn có những thói quen xấu này, bạn sẽ chưa cảm nhận được tác hại ngay. Vâng, nó là sự tích lũy. Bạn có thể chờ tới lúc thấy tất cả “quả” rồi mới thay tất cả “nhân”, rất mệt, hoặc là sớm nhận biết và yêu quý cơ thể bạn. 30 năm, 50 năm sau, cơ thể bạn sẽ cảm ơn những cố gắng của bạn ngày hôm nay. Sức khỏe bền vững có nghĩa là già đi mà vẫn mạnh khỏe.