Có quá nhiều người đang nghĩ rằng loét là viêm trở nặng mà thành. Họ cũng bị dọa là chữa viêm đi, không chữa sớm để lâu nó loét ra đó. Nhưng sự thật có phải là vậy?
Có 2 cơ sở cho sự nhầm lẫn này!
1. Từ “viêm” và từ “loét”
Khi bạn không hoàn toàn hiểu rõ “viêm” và “loét” theo khái niệm của y học, bạn sẽ hình dung nó qua ý niệm về từ ngữ. Tiếng Việt chúng ta quả thật rất hình tượng. Rất dễ để hình dung “viêm” là nhẹ hơn, là khởi đầu, còn “loét” thì là nặng hơn, là biến chứng.
Hình ảnh vết loét dạ dày tá tràng.
2. Có một khái niệm chung chung là bệnh “viêm loét dạ dày – tá tràng”
Đó chính xác là những thứ tôi được học trong môn Bệnh học hồi năm 3 trường Dược. Và cho tới ngày nay vì trên lâm sàng các bệnh này thường xuất hiện với các triệu chứng giống nhau như đau vùng dạ dày, no trướng, ợ hơi… nên bệnh dạ dày vẫn là một khái niệm tương đối mông lung.
Và sự thật là: VIÊM VÀ LOÉT LÀ HAI BỆNH KHÁC NHAU.
Viêm không phải loét – Cùng phân biệt viêm và loét trên hình ảnh nội soi
Rất khó để một người bệnh tự phân biệt được bệnh của mình là viêm hay loét nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Người đó cần được nội soi, và căn cứ trên hình ảnh lúc nội soi.
Hình ảnh vết loét về cơ bản như một cái hố ăn xuống, nó phát triển theo chiều đi sâu vào thành dạ dày, hoặc ở mức nhẹ hơn là thành dạ dày bị rách (phiếu nội soi sẽ có các từ “trợt”, “xước”…). Nó có bờ ổ loét, có thành ổ loét với độ dốc và có đáy ổ loét.
Vết loét như một cái hố ăn xuống, phát triển theo chiều đi sâu vào thành dạ dày.
Hình ảnh vết viêm về cơ bản như một khối sưng với các chất viêm, mủ, phù nề lên…, nó phát triển theo chiều đi vào lòng dạ dày (là ngược hướng với loét).
Không phải cứ viêm nặng sẽ thành loét – Cùng tìm hiểu tiến triển của viêm
Viêm, cụ thể ở đây là viêm dạ dày phân thành 2 loại: viêm cấp tính và viêm mạn tính:
– Viêm cấp tính phổ biến là viêm cấp tính đơn thuần (không có loét), và tiến triển nặng hơn của kiểu viêm này là thành viêm mạn tính.
– Viêm mạn tính phổ biến là viêm mạn tính phần nông dạ dày. Đây là tình trạng tiên lượng tốt, ít biến chứng. 10-30% còn lại của viêm mạn tính là viêm teo dạ dày thì biến chứng chủ yếu là ung thư hóa (tỉ lệ này ở Việt Nam là 2,5%).
Cả 2 kiểu viêm này đều không tiến triển nặng thành loét.
Liên quan giữa viêm và loét trên thực tế người bệnh
– 50% số bệnh nhân loét có kèm viêm dạ dày. Trên nội soi người ta thường thấy niêm mạc xung quanh ổ loét thường phù nề, xung huyết.
– Người ta có thể loét dạ dày, loét tá tràng trực tiếp mà không thông qua quá trình viêm:
– Người có nhóm máu O có tỉ lệ loét tiêu hóa cao hơn những nhóm máu khác.
– Bệnh nhân viêm khớp, xơ gan, sỏi thận, suy thận hay bệnh phổi mạn tính… có tỉ lệ loét tiêu hóa cao hơn những người khác.
Hành động khuyến nghị: Lạc quan là một liều thuốc tốt để chữa bệnh viêm, loét. Lạc quan là một thái độ sống có thể được rèn luyện, bất chấp hoàn cảnh.